Translate this page:
Mục Lục


 

II. Sơ Lược Về Các Tổ Chức
Xâm Nhập Miền Bắc

Ngay sau khi hiệp định đình chiến Genève phân chia hai miền Nam - Bắc Việt Nam vừa được ký kết vào năm 1954, Giám Đốc Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA) là ông Allen Dulles đã chỉ thị Đại Tá Không Quân Edward Lansdale sang Việt Nam để hỗ trợ Thủ Tướng Ngô Đình Diệm củng cố Miền Nam cũng như tổ chức những cơ sở bán quân sự nằm vùng tại Bắc Việt trước khi Cộng Sản (CS) kiểm soát. Đại Tá Lansdale lúc đó đang đảm nhiệm chức vụ Phó Giám Đốc Phòng Hành Quân Đặc Biệt thuộc Bộ Quốc Phòng do Thiếu Tướng Graves Erskine làm Giám Đốc. Sở trường của ông là điều hành những hoạt động phản du kích "mật" trong bóng tối, trước đây đã giúp Tổng Thống Phi Luật Tân Magsaysay của Phi Luật Tân thành công trong việc tiêu diệt loạn quân CS Huk trong khoảng giữa thập niên 1950. Tổ chức của Đại Tá Lansdale tại Việt Nam được gọi là Phái Bộ Quân Sự Sài Gòn (Saigon Military Mission), trong đó còn có một chuyên viên điệp báo là Thiếu Tá Bộ Binh Lucien Conein, người sau này nắm giữ một vai trò rất quan trọng trong những cuộc chính biến dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa.

Ngay trước khi miền Bắc được trao cho CS, nhiều nhân viên dân sự người Việt do Đại Tá Lansdale tuyển mộ, đa số thuộc sắc tộc Nùng sinh trưởng tại vùng Móng Cái gần Hải Phòng và biên giới Hoa - Việt, đã được gửi sang đảo Saipan để huấn luyện về kỹ thuật xâm nhập, nằm vùng và phá hoại. Khi Việt Nam chính thức bị chia đôi, họ đã được huấn luyện thuần thục và chia thành từng toán nhỏ, sau đó được các chiến hạm Hoa Kỳ thuộc Đệ Thất Hạm Đội đổ bộ vào khu vực bờ biển gần nguyên quán. Những nhân viên này được lệnh trà trộn với thân nhân, "nằm yên" không hoạt động gì cả cho tới khi nhận được chỉ thị. Vũ khí, máy truyền tin và vàng đã được dấu sẵn trước tại những địa điểm bí mật để phòng khi cần tới. Một trong những "điệp viên chìm" trong thời gian này là Phạm Xuân Ẩn, nhưng Đại tá Lansdale không biết hắn là một tên VC nằm vùng được cài vào tổ chức của mình.

Về phần Nam Việt Nam, sau khi tình hình tương đối ổn định, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng tổ chức riêng những cơ quan tình báo đặc biệt trực thuộc Phủ Tổng Thống do Bác Sĩ Trần Kim Tuyến người Huế đứng đầu. Một trong những bộ phận dưới quyền Bác Sĩ Tuyến, chuyên đảm nhiệm các hoạt động Biệt Kích là Sở Liên Lạc do Đại Tá Lê Quang Tung chỉ huy, Đại Tá Trần Khắc Kinh phụ tá. Người lo việc tuyển mộ nhân viên cho Sở Liên Lạc là Đại Úy Lê Quang Triệu, em ruột của Đại Tá Lê Quang Tung, lúc đó còn đảm nhiệm chức vụ Đại Đội Trưởng Đại Đội Liên Binh Phòng Vệ Tổng Thống Phủ. Ngoài ra, ông Cố Vấn Ngô Đình Cẩn cũng có những tổ chức điệp báo riêng biệt tại Miền Trung.

Sở Liên Lạc chia thành 3 bộ phận chính, đó là Sở Bắc, Sở Nam và Liên Đội Quan Sát.

1. Sở Bắc

Sở Bắc còn được gọi là Phòng 45 do Đại Úy Bộ Binh Ngô Thế Linh (sau này được thăng đến cấp Đại Tá), bí danh là "Bình" điều khiển. Tuy được mệnh danh là Sở Bắc nhưng cơ quan này không những chỉ đảm nhiệm các hoạt động Biệt Kích ở Bắc Việt, mà còn tổ chức những cuộc hành quân mật trên đất Lào và Cam Bốt. Tóm lại, Sở Bắc chịu trách nhiệm về những hoạt động Biệt Kích bên ngoài lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.

 

2. Sở Nam

Sở Nam hay Phòng 55 do Đại Úy Bộ Binh Trần Văn Minh chỉ huy, chịu trách nhiệm về những hoạt động Biệt Kích trong lãnh thổ VNCH.

3. Liên Đội 1 Quan Sát

Ngoài hai Sở Nam và Bắc, Sở Liên Lạc còn có một cơ cấu đặc biệt ít người biết đến, đó là Liên Đội Quan Sát 1 được thành lập vào năm 1956 với sự trợ giúp của Ngũ Giác Đài và CIA Hoa Kỳ.

Bề ngoài, Liên Đội chỉ là một tổ chức thông thường với một số nhân viên trực thuộc về mặt hành chánh, nhưng mọi công tác đều do Sở Liên Lạc điều động. Những nhân viên của Liên Đội được đặc biệt huấn luyện để thi hành các công tác "nằm vùng" ngay tại Miền Nam trong trường hợp nơi này bị rơi vào tay CS sau cuộc Tổng Tuyển Cử theo tinh thần hiệp định Genève. Mãi cho tới năm 1958 dù cuộc tuyển cử đã bị hủy bỏ, các toán công tác thuộc Liên Đội vẫn còn thực hiện những vụ chôn giấu vũ khí, chất nổ, máy truyền tin, vàng v.v... để chuẩn bị cho những công tác "nằm vùng" khi cần.